Vì sao nhạc cụ truyền thống không hấp dẫn người việt trẻ?

Bùi Hoàng Giang 10/10/2017
vi-sao-nhac-cu-truyen-thong-khong-hap-dan-nguoi-viet-tre

Sự thiếu vắng những gương mặt trẻ triển vọng trong liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc khiến nhiều người trăn trở...

Thực tế đáng buồn

Trong vài năm trở lại đây, làng giải trí Việt phát triển rất sôi động nhờ sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí. Thế nhưng, có một nghịch lý khiến nhiều người suy ngẫm đó là các loại nhạc cụ truyền thống như: Đàn bầu, đàn nhị, đàn tranh... dù được sử dụng ở nhiều loại hình âm nhạc dân tộc, nhưng chưa thật sự có sức hút đối với người trẻ.

Điều đó được thể hiện ngay trong liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc diễn ra từ ngày 15/4 đến 23/4, tại TP. Thanh Hóa. Đây là hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị của âm nhạc dân tộc và được tổ chức 3 năm một lần với quy mô toàn quốc. Thế nhưng, hầu hết các nhà hát khi tham dự liên hoan vẫn dựa vào những nghệ sĩ lớn tuổi, quen mặt mà thiếu vắng những gương mặt trẻ triển vọng.

Vậy, có phải người trẻ không mấy mặn mà với nhạc cụ dân tộc hay còn yếu tố nào khác? Và liệu rằng, những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc có dần mai một?

Đại tá - nhạc sĩ - NSND Nguyễn Tiến (nguyên Giám đốc nhà hát Quân đội), người dành cả cuộc đời để gắn bó với cây đàn bầu cho hay: “Nói về tình hình nhạc cụ dân tộc trong bối cảnh hiện nay, theo tôi, người thích nghe nhạc cụ truyền thống không nhiều và rầm rộ như ngày xưa. Bên cạnh đó, trên truyền hình hay sân khấu lớn các dòng nhạc như pop, điện tử,... phát triển rất mạnh. Vì thế, nhạc dân tộc hiện nay gần như rất ít được trình diễn. Ngay cả trên sóng truyền hình, các chương trình dành cho các nhạc công biểu diễn nhạc cụ dân tộc cũng rất ít”.

Vi sao nhac cu truyen thong khong hap dan nguoi Viet tre? - Anh 1

Đại tá - nhạc sĩ - NSND Nguyễn Tiến.

NSND Nguyễn Tiến còn cho biết, hiện nay các nơi đào tạo nhạc công như đại học Sân khấu, học viện Âm nhạc, cũng có nhiều bạn trẻ theo học... Tuy nhiên, để theo được nghề hầu như không nhiều. Bởi, đầu ra chính của những người học nhạc cụ truyền thống là các đoàn nghệ thuật truyền thống, nhưng những đoàn này chỉ có biên chế một người cho mỗi loại nhạc cụ dân tộc, nên không thể tuyển thêm. Bên cạnh đó, sức quảng bá của nhạc cụ dân tộc cũng rất thấp. Đây là một thực tế đáng buồn. Với thực trạng đó, những nhạc công ra trường sẽ chẳng biết đi về đâu. Vì không có đất diễn, không kiếm ra tiền nên một số nhạc công đã thành lập những nhóm nhỏ để biểu diễn trong nhà hàng, khách sạn hoặc chuyển nghề khác. Nếu cứ như thế, nhạc công dù có tâm với nghề thì tài năng cũng sẽ mai một theo thời gian.

Nhạc truyền thống không hề già nua

Dù không thực sự phổ biến, nhưng nhạc cụ truyền thống vẫn có một chỗ đứng riêng, vẫn là món ăn tinh thần của nhiều người. Bởi, các loại nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn tranh, sáo... vẫn được coi là một phần không thể thiếu của văn hóa Việt.

“Theo tôi, nhạc cụ truyền thống sẽ không mất đi được. Bởi, những người yêu thích nhạc cụ dân tộc vẫn còn nhiều, nhưng để có những người xuất sắc như thế hệ cũ thì hiếm. Để có đội ngũ nhạc công trẻ tài năng, niềm trăn trở đó thuộc về các cơ quan chức năng, cần phải có chính sách, kế hoạch, chiến dịch đầu tư cho âm nhạc truyền thống, bồi dưỡng cho những tài năng trẻ. Bên cạnh đó, rất cần sự tham gia của các đài truyền hình, hàng ngày, hàng tuần có những chương trình hòa tấu, độc tấu quảng bá đến công chúng”, NSND Nguyễn Tiến nhận định.

17 năm gắn bó với cây đàn tranh, nhạc công Nguyễn Khánh Chung cũng đã có những chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin nỗi niềm trăn trở của mình với nhạc cụ truyền thống.

Vi sao nhac cu truyen thong khong hap dan nguoi Viet tre? - Anh 2

Nhạc công Nguyễn Khánh Chung có 17 năm gắn bó với cây đàn tranh.

Nhạc công Nguyễn Khánh Chung chia sẻ: “Là một nghệ sĩ đam mê nhạc cụ dân tộc, trong đó có niềm đam mê đặc biệt với đàn tranh, tôi rất mong muốn nhạc cụ dân tộc được đông đảo các bạn trẻ đón nhận. Vì, đó là những nét giá trị văn hóa vô cùng độc đáo của đất nước mình. Tìm hiểu về nhạc cụ dân tộc chính là tìm hiểu về nguồn cội. Bên cạnh đó, nhạc cụ dân tộc không hề khô khan, khó nghe như nhiều bạn trẻ vẫn lầm tưởng, nó cũng có thể chơi được những bản nhạc rất hiện đại phù hợp với xu hướng hiện nay... Theo tôi, các bạn trẻ hãy một lần tìm hiểu về nó, chắc chắn sẽ thấy nhạc cụ truyền thống không hề khó nghe và già nua”.

Cô Dương Thùy Anh, giảng viên trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và cũng là nghệ sĩ có hơn 34 năm gắn bó với cây đàn nhị lại cho rằng, các bạn trẻ không mấy mặn mà với nhạc cụ truyền thống là bởi, chưa có nhiều sân chơi dành cho loại hình âm nhạc này.

Vi sao nhac cu truyen thong khong hap dan nguoi Viet tre? - Anh 3

Giảng viên Dương Thùy Anh.

“Nếu nói các bạn trẻ không quan tâm đến nhạc cụ truyền thống thì chưa hẳn đã đúng. Thực chất, thời gian gần đây, tôi thấy các bạn trẻ đã quan tâm đến nhạc cụ dân tộc nhiều hơn. Nhạc cụ truyền thống bị lãng quên, bởi một phần không có sân khấu để biểu diễn, các bạn trẻ cũng không có cơ hội được tiếp cận nhiều. Vậy nên, muốn để giới trẻ có hứng thú với nhạc cụ dân tộc, chúng ta cần phải có sân khấu biểu diễn cho các nhạc công, các nghệ sĩ trẻ và cần quảng bá nhạc cụ truyền thống rộng rãi hơn nữa. Bên cạnh đó, có thể tổ chức các cuộc thi về nhạc cụ truyền thống để tìm kiếm được những gương mặt nhạc công trẻ triển vọng”, nữ giảng viên nhận định.

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN